Apple mất 43 năm để đạt giá trị 1 nghìn tỷ USD, nhưng chỉ mất 2 năm để đạt 2 nghìn tỷ USD

0
72

Bên cạnh Apple, thì Amazon, Microsoft, Facebook và Alphabet cũng thu về hàng tỷ USD trong bối cảnh đại dịch và kinh tế suy thoái. Ảnh hưởng quá lớn của những công ty công nghệ này đã khiến Chính phủ phải kiểm soát gắt gao trong nhiều năm gần đây, thậm chí đã có một cuộc điều trần đối với 4 CEO công nghệ hàng đầu tại Quốc hội vào tháng trước.

Apple đã phải mất tới 43 năm để có thể đạt được cột mốc quan trọng là 1 nghìn tỷ USD giá trị vốn hóa. Nhưng lại chỉ mất có 2 năm để nhân đôi con số đó lên thành 2 nghìn tỷ USD. Tuyệt vời hơn, ấn tượng hơn, đó là cột mốc 2 nghìn tỷ USD đạt được trong khi nền kinh tế toàn cầu suy thoái vì đại dịch Covid-19.

Hôm thứ 4 vừa qua, Apple đã trở thành công ty Mỹ đầu tiên đạt mức giá trị vốn hóa 2 nghìn tỷ USD, sau khi cổ phiếu tăng 1,4% lên 468,65 USD. Đó là một cột mốc quan trọng đối với nhà sản xuất iPhone, củng cố danh hiệu công ty có giá trị lớn nhất thế giới, và cho thấy rằng đại dịch Covid-19 không thể ngăn cản sự tăng trưởng của những gã khổng lồ công nghệ.

 Apple mất 43 năm để đạt giá trị 1 nghìn tỷ USD, nhưng chỉ mất 2 năm để đạt 2 nghìn tỷ USD - Ảnh 1.

Giá trị vốn hóa Apple với các cột mốc 1 nghìn tỷ USD và 2 nghìn tỷ USD.

Mới đây hồi tháng 3, giá trị vốn hóa của Apple giảm xuống dưới mức 1 nghìn tỷ USD, sau khi thị trường chứng khoán lao dốc vì những lo ngại về dịch bệnh Covid-19. Nhưng sau đó, giá cổ phiếu của các gã khổng lồ công nghệ Apple, Microsoft, Alphabet, Google và Facebook đã không ngừng tăng vọt.

Các nhà đầu tư đã đổ hàng tỷ USD vào những gã khổng lồ công nghệ này, đặt cược rằng sức mạnh to lớn của các công ty công nghệ sẽ đóng vai trò là nơi trú ẩn trong cuộc đại suy thoái do dịch bệnh Covid-19 gây ra.

Cùng nhau, giá trị của 5 gã khổng lồ công nghệ tăng gần 3 nghìn tỷ USD kể từ ngày 23 tháng 3 đến nay. Bằng mức tăng trưởng của 50 công ty trong top S&P 500 cộng lại, mà bao gồm cả Berkshire Hathaway của tỷ phú Warrent Buffett, Walmart và Disney. Chỉ riêng Apple, giá trị vốn hóa đã tăng khoảng 6,8 tỷ USD mỗi ngày, hơn cả giá trị của hãng hàng không quốc gia American Airlines.

 Apple mất 43 năm để đạt giá trị 1 nghìn tỷ USD, nhưng chỉ mất 2 năm để đạt 2 nghìn tỷ USD - Ảnh 2.

Apple liên tục phá vỡ các cột mốc kỷ lục.

Aswath Damodaran, giáo sư tài chính của Đại học New York, người nghiên cứu thị trường chứng khoán, cho biết: “Những công ty này đã trở thành những chuyến bay an toàn nhất. Cuộc khủng hoảng vì dịch bệnh càng củng cố thêm sức mạnh của các Goliaths công nghệ”.

Việc Apple nhanh chóng tăng lên 2 nghìn tỷ USD là điều đặc biệt đáng kinh ngạc, vì nhà sản xuất iPhone đã không làm được nhiều điều mới trong hai năm qua. Apple chỉ đơn giản là đã xây dựng một hệ sinh thái hoàn thiện, nắm giữ cách mọi người giao tiếp, giải trí và mua sắm. Đến mức mà Apple không còn cần phải dựa vào những phát minh đột phá để duy trì hoạt động kinh doanh của mình nữa.

Apple 2 nghìn tỷ USD dưới thời CEO Tim Cook

Apple lần đầu tiên đạt giá trị 1 nghìn tỷ USD vào tháng 8 năm 2018, sau nhiều thập kỷ đổi mới. Công ty do Steve Jobs và Steve Wozniak thành lập vào năm 1976, đã tạo ra nhiều sản phẩm thay đổi thế giới như máy tính Macintosh, iPod, App Store và iPhone.

Kể từ đó, Apple chủ yếu chỉnh sửa và cải tiến những phát minh đột phá trong quá khứ, bán chúng với những tên gọi mới như Apple Watch Series 5, AirPods Pro và iPhone 11 Pro Max. Apple cũng tập trung hơn vào các dịch vụ và phần mềm, bán thuê bao đăng ký Apple Music hay thu phí từ các nhà phát triển ứng dụng iOS.

 Apple mất 43 năm để đạt giá trị 1 nghìn tỷ USD, nhưng chỉ mất 2 năm để đạt 2 nghìn tỷ USD - Ảnh 3.

CEO Tim Cook trong sự kiện ra mắt iPhone 11.

Dưới thời CEO Tim Cook, phát minh đột phá nhất của Apple chính là khả năng tạo lợi nhuận bất chấp mọi hoàn cảnh khó khăn. Tim Cook đã xây dựng một chuỗi cung ứng toàn cầu vô cùng phức tạp để tối đa hóa lợi nhuận, tập trung vào một dòng sản phẩm để giữ chân khách hàng trong hệ sinh thái của mình, để họ tiếp tục mua các thiết bị mới vài năm một lần, mua phụ kiện mới và trả phí cho các dịch vụ của Apple.

Từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020, ngay cả khi phải đóng cửa rất nhiều Apple Store thì lợi nhuận vẫn đạt 11,25 tỷ USD và tăng trưởng 12% so với năm ngoái.

Luca Maestri, giám đốc tài chính của Apple, cho biết trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng trước: “Các sản phẩm và dịch vụ của chúng tôi rất phù hợp với cuộc sống hàng ngày của người dùng. Trong một số trường hợp, nó còn tỏ ra hiệu quả hơn trong thời kỳ đại dịch”. Nhưng ông Maestri cũng khẳng định rằng dịch bệnh Covid-19 có lợi cho Apple, ông cho biết nếu không có dịch bệnh thì Apple có thể kiếm được thêm hàng tỷ USD lợi nhuận.

Sức mạnh của 5 gã khổng lồ công nghệ càng thêm vững chắc

Bên cạnh Apple, thì Amazon, Microsoft, Facebook và Alphabet cũng thu về hàng tỷ USD trong bối cảnh đại dịch và kinh tế suy thoái. Ảnh hưởng quá lớn của những công ty công nghệ này đã khiến Chính phủ phải kiểm soát gắt gao trong nhiều năm gần đây, thậm chí đã có một cuộc điều trần đối với 4 CEO công nghệ hàng đầu tại Quốc hội vào tháng trước.

Ông David Cicilline, thành viên đảng Dân chủ và là chủ tịch của tiểu ban Hạ viện đang điều tra cách các gã khổng lồ công nghệ, cho rằng các công ty này đang phát triển quá mạnh. “Những công ty này có khả năng đưa ra các chính sách độc tài, trừng phạt và khiến các công ty khác phải sợ hãi”, ông Cicilline cho biết.

 Apple mất 43 năm để đạt giá trị 1 nghìn tỷ USD, nhưng chỉ mất 2 năm để đạt 2 nghìn tỷ USD - Ảnh 4.

Tuần trước, sự việc giữa Apple và Epic Games cho thấy sức mạnh của App Store. Apple tận dụng kho ứng dụng và hệ sinh thái độc quyền trên các thiết bị iPhone, iPad để thu phí 30% tất cả các khoản thanh toán thông qua ứng dụng của nhà phát triển. Khi Epic Games tự đưa ra hình thức thanh toán riêng trong tựa game Fortnite, nó ngay lập tức bị Apple xóa khỏi App Store và còn dọa sẽ trừng phạt mạnh mẽ hơn.

Một khi sức mạnh của 5 công ty công nghệ này trở nên quá lớn, toàn bộ nền kinh tế thế giới sẽ bị phụ thuộc vào nó. Chúng ta có thể thấy rất nhiều công ty công nghệ nhỏ, rất nhiều nhà sản xuất cung ứng bị phụ thuộc vào Apple, không có Apple là chết. Hay như rất nhiều công ty quảng cáo, xuất bản bị phụ thuộc vào Facebook. Điều đó có thể làm đe dọa sự phát triển của nền kinh tế thế giới một cách công bằng và bình đẳng.

Theo CafeF